Skip to main content

Điều trị cường giáp ở phụ nữ đang mang thai

Share:

Bị cường giáp khi mang thai đang là nỗi ám ảnh cho nhiều phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản. Việc điều trị cường giáp cũng là thách thức khi cần có sự hướng dẫn chặt chẽ từ bác sĩ và nỗ lực từ phía người bệnh.

1. Cường giáp là gì?

Là tình trạng tăng chức năng tuyến giáp do tiết nhiều T3, T4 biểu hiện bằng các triệu chứng dấu hiệu nhiễm độc giáp.

Cường giáp Basedow
Thiếu Iod là nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp

2. Cường giáp có nguy hiểm không?

Do xảy ra chủ yếu ở nữ giới độ tuổi sinh sản nên tỷ lệ phụ nữ bị cường giáp khi mang thai rất cao. Khi bị cường giáp thì nồng độ hormon thyroxin trong máu người mẹ rất cao, gây ra các triệu chứng điển hình như tay run, tim đập nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, thậm chí khi là suy tim. Thyroxin đi vào thai nhi với nồng độ cao cũng có thể dẫn đến hiện tượng tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể gây dị tật, dị dạng thai. Trong một số trường hợp thậm chí dẫn đến sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu.

Vì vậy, các bác sĩ khuyên những phụ nữ mắc bệnh bị cường giáp không nên có thai, nhất là khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển, tốt nhất hãy chữa điều trị bệnh cường giáp triệt để rồi mới có thai.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI QUA TỪNG TUẦN

Nhập ngày sinh hoặc tuần thai nhi để biết thông tin chi tiết

3. Điều trị cường giáp ở phụ nữ mang thai

Việc điều trị cường giáp dựa vào các thuốc uống, gọi chung là các thuốc kháng giáp tổng hợp (KGTH). Các loại thuốc này đã được sử dụng khá nhiều và được đánh giá có hiệu quả tốt, cải thiện đáng kể tình trạng bệnh cường giáp. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, hầu hết các thuốc kháng giáp tổng hợp như methylthiouracil (MTU), methimazol, thyrozol, carbimazol, propylthiouracil (PTU) đều có tính độc nguy hiểm là gây suy giáp thai nhi.

Cường giáp có ảnh hưởng đến thai nhi
Thai phụ nên sử dụng thuốc điều trị cường giáp theo chỉ định của bác sĩ

Do vậy, việc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai phải hết sức cẩn thận, chỉ định đúng và liều dùng tối thiểu. Tránh để tình trạng cường giáp chuyển sang trạng thái suy giáp do thuốc bởi hai trạng thái này đều gây rất nhiều tác hại trên thai nhi.

4. Không bỏ thai khi bị cường giáp

ường giáp nếu không được điều trị đúng sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên không có chỉ định bỏ thai nếu bị cường giáp. Phụ nữ bị cường giáp mà lỡ có thai thì không nhất thiết phải bỏ thai.

Trong các loại thuốc kháng giáp tổng hợp, PTU được đánh giá là ít thấm vào thai và an toàn hơn so với các loại khác. Việc sử dụng thuốc này vẫn cần có bác sĩ chuyên khoa theo dõi. Nếu điều trị nội khoa không được thì có thể điều trị ngoại khoa thông qua phẫu thuật bướu giáp. Tuy nhiên cách này ít được áp dụng vì việc mổ có liên quan đến gây mê, không có lợi cho thai. Cũng không nên chữa bằng iod – phóng xạ, vì iod – phóng xạ có thể vào thai, phá hủy tuyến giáp thai gây suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.

Trường hợp bất đắc dĩ nhất cần phải bỏ thai thì cũng cần điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn mới bỏ thai. Bởi nếu bỏ thai đột ngột có thể bị cơn cường giáp cấp (bão giáp) gây nguy hiểm tính mạng thai phụ.

Ngoài ra khi cường giáp, thai phụ có thể dùng thuốc chẹn beta có tác dụng giảm triệu chứng run tay, đánh trống ngực. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc phụ trợ này khi thật cần thiết và ở mức hạn chế vì thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (trẻ sinh ra bị nhẹ cân).

Người bị cường giáp mà lỡ có thai nếu biết điều trị tốt thì đa phần con sinh ra vẫn bình thường. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, cơn cường giáp có thể giảm xuống nhưng sau khi sinh lại trở nặng. Lúc đó, ta có thể điều trị bệnh cường giáp như với người không có thai (bằng thuốc kháng giáp thông thường).

Sản phụ từng bị thai lưu: Cần khám, tư vấn và chăm sóc trước khi mang thai lại
Thường xuyên theo dõi thai kỳ trong quá trình điều trị cường giáp

Như vậy, phụ nữ bị cường giáp khi mang thai vẫn có thể sinh con bình thường miễn là biết có thai đúng lúc. Khi lỡ có thai không đúng lúc thì cần giữ thái độ bình tĩnh bảo vệ thai (theo chỉ dẫn của thầy thuốc).

Giai đoạn bào thai rất quan trọng với sự hình thành của trẻ, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ sức khỏe và cả tinh thần của người mẹ. Bên cạnh việc uống thuốc và tái khám theo dõi thường xuyên, người mẹ cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống, hạn chế căng thẳng, lo âu…

Bị cường giáp khi mang thai chắc chắn sẽ làm thai kỳ trở nên khó khăn hơn nhưng với những biện pháp điều trị đúng và sự nỗ lực của người mẹ cùng sự hỗ trợ từ người thân, hành trình sinh nở sẽ cập bến an toàn, kết quả “mẹ sẽ tròn, con sẽ vuông”.

Bình luận (0)